100 chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài đã đến thăm, làm việc với một số tập đoàn lớn như Vietjet, Viettel, Vingroup… Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018”, thực hiện chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức.
xem thêm:
Việc kết nối với các trí thức người Việt ở nước ngoài được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam cũng như góp phần giúp các trí thức trẻ hình dung phần nào về cuộc cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ trong nước.
Tại buổi gặp gỡ ở văn phòng Vietjet, Phó tổng giám đốc Tô Việt Thắng đã chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ tại hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam. Kể từ khi hình thành và bắt đầu khai thác vào tháng 12/2022 đến nay, hãng đã chủ động đầu tư để tối ưu các giải pháp công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin – những yếu tố được xem là cốt lõi giúp Vietjet tăng trưởng bứt phá trong suốt gần 7 năm qua. Theo định hướng phát triển, Vietjet hướng tới mô hình hãng hàng không tiêu dùng (consumer airline) dựa vào E-commerce nên đòi hỏi một nền tảng công nghệ thông tin rất mạnh.
Ông Thắng cho biết, Vietjet luôn khai thác, vận hành những tàu bay tiên tiến cùng công nghệ hiện đại, đòi hỏi sự kết nối không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Chính vì vậy, công nghệ thông tin là yếu tố tất yếu để mang đến sự thành công cho hãng hàng không.
Cuối năm 2017, Vietjet đã là hãng hàng không đầu tiên tại Đông Nam Á khai thác tàu bay Airbus A321neo với động cơ tiên tiến nhất hiện nay, có khả năng tiết kiệm tới 20% nhiên liệu. Đây cũng là hãng hàng không đi đầu trong việc vận hành hệ thống đặt vé, thanh toán điện tử và thiết lập các ki-ốt check-in hiện đại tại các đầu sân bay lớn nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng, giảm thiểu tình trạng quá tải, thời gian chờ đợi làm thủ tục.
Hãng còn phối hợp cùng với các chuyên gia công nghệ hàng không thế giới thiết lập hệ thống buồng lái mô phỏng (SIM) hiện đại tại Học viện Hàng không Vietjet (thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM). Dự kiến, học viện sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo phi công không chỉ của Vietjet mà còn cả khu vực và thế giới.
Đại diện hãng bày tỏ mong muốn thông qua hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ để tiếp thu những ý tưởng và kiến thức, công nghệ mới như blockchain, fintech, xu hướng thời đại… Hàng không là một ngành đặc thù đòi hỏi đầu tư nhiều vào công nghệ. Vì thế có được kết nối với những chuyên gia đầu ngành là cách nhanh nhất để nắm bắt xu hướng phát triển.
Sau khi tham quan văn phòng Vietjet, các trang thiết bị hiện đại của trung tâm điều hành, quản lý bay, 100 trí thức trẻ ấn tượng với những gì hãng đã ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đại diện đoàn kỳ vọng Vietjet sẽ tiếp tục phát triển để luôn luôn là một hãng hàng không đổi mới, sáng tạo (Innovation Airline), áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ đi đầu vào quản lý, vận hành một hãng hàng không thế hệ mới.
Chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018” nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo, làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển. Chương trình kỳ vọng khơi nguồn cảm ứng, tạo ra liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam.
Ánh Thúy